Người đàn ông dành 7 năm tự chế tuabin gió phát điện

by flstorevn


Vĩnh LongAnh Trương Kim Vũ, một dược sĩ 40 tuổi, đã tự tạo hệ thống tuabin phát điện bằng kiến thức tìm hiểu trên Internet trong 2 năm.

Anh Kim Vũ, sống tại huyện Bình Tân, “bén duyên” với điện gió từ năm 2014, khi khu vực của anh thường xuyên mất điện. “Vợ mới sinh con gái đầu lòng. Nhà thường xuyên mất điện. Quạt tích điện lại chỉ dùng được trong thời gian ngắn nên con bé nóng, quấy khóc. Tôi đã nghĩ đến việc tìm giải pháp tạo ra điện, giảm phụ thuộc vào điện lưới”, anh Vũ kể.

Anh Trương Kim Vũ và một chiếc tuabin gió do anh chế tạo.

Anh Trương Kim Vũ và một chiếc tuabin gió do anh chế tạo.

Ban đầu, anh nghĩ đến điện mặt trời và có ý định mua hệ thống pin mặt trời về lắp. Sau khi xem xét anh thấy việc áp dụng tuabin gió khả thi hơn với Vĩnh Long vì có nhiều gió hơn là nắng. Nhưng thay vì đầu tư tiền để mua hệ thống mới, anh tự chế tạo hệ thống điện gió, vừa là thỏa mãn sở thích mày mò, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình.

Anh Vũ vốn là một dược sĩ nên khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào chế tạo tuabin và hệ thống điện gió là kiến thức về lĩnh vực này. “Thời điểm đó, cộng đồng chế tạo thiết bị điện gió trong nước gần như không có. Tôi phải tìm hiểu tài liệu nước ngoài trên mạng và qua các kênh YouTube”, anh Vũ nói.

Thời gian sau, anh gặp được những người bạn có chung sở thích về điện gió trên một diễn đàn công nghệ. Anh đã học được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ nhóm này. Từ mục đích ban đầu là tạo hệ thống điện gió “cho vui”, anh nghiêm túc với ý định của mình và xem là niềm đam mê, làm trong thời gian rảnh rỗi.

Sau hai năm, chiếc tuabin gió thuộc dạng trục đứng đầu tiên của anh ra đời. Nhưng anh lại mô tả sản phẩm này là “thất bại toàn tập” vì khả năng tạo điện hạn chế và rất cồng kềnh. Anh chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng tiền vật liệu, nhưng rất nhiều thời gian đầu tư vào nó.

“Đã có lúc tôi nghĩ dừng lại và mua một chiếc tuabin cho xong. Vợ tôi không hài lòng khi thấy tôi dành quá nhiều thời gian cho việc ‘vô ích’. Bạn bè thấy tôi bỏ nhiều công sức mà không mang lại kết quả cũng khuyên tôi không nên tiếp tục, thậm chí có người bảo tôi điên”, anh Vũ kể.

Nhưng niềm đam mê khiến anh Vũ lại tiếp tục nghiên cứu ra thế hệ tuabin mới. Anh chuyển từ tạo tuabin từ trục đứng sang trục ngang. Cùng với hỗ trợ của một số người bạn chuyên về kỹ thuật cơ điện và cộng đồng những người cùng sở thích chế tạo điện gió trên mạng xã hội, chiếc tuabin gió đầu tiên có thể tạo ra dòng điện theo đúng ý muốn đã ra đời. Các hệ thống sau sản phẩm này đều được anh Vũ tối ưu hơn về kích thước, khả năng sản sinh ra dòng điện cũng tốt hơn.

Một số tuabin gió do anh Vũ tự chế tạo.

Một số tuabin gió do anh Vũ tự chế tạo.

Mỗi tuabin gió trục ngang hoàn chỉnh gồm: stator chứa cuộn dây đồng, rotor chứa nam châm vĩnh cửu kiêm khung gắn cánh quạt và bánh lái để hứng gió. Trong đó, rotor và stator là bộ phận quan trọng nhất, kết hợp với nam châm vĩnh cửu để tạo ra dòng điện khi xoay. Công suất mà một tuabin trục ngang sẽ sản sinh được xác định qua đường kính của rotor.

Ban đầu, anh Vũ sử dụng lại các động cơ lấy từ máy giặt để tiết kiệm thời gian chế tạo. Nhưng sau đó, anh đã tự tạo được tuabin riêng. “Mục đích của tôi là tạo ra thiết bị với công suất và thiết kế theo ý muốn, thay vì phải phụ thuộc vào nhà sản xuất”, anh Vũ chia sẻ.

Công đoạn khó nhất khi chế tạo tuabin gió là tạo khuôn cho stator và rotor. Công đoạn này đòi hỏi việc quấn dây đồng phải chính xác số vòng, đổ keo để định hình, sau đó kết hợp phần rotor và khung stator sao cho vừa vặn nhất. “Chỉ sai một bước, toàn bộ quá trình có thể phải làm lại từ đầu”, anh Vũ nói. Ngoài ra, việc tạo cánh và phần bánh lái hứng gió cũng phải đảm bảo chính xác. Các công đoạn đều được làm bằng tay.

Mỗi tuabin gió công suất 300 W – 1 KW được anh Vũ chế tạo trong từ 5 đến 7 ngày, chi phí từ 7 đến 15 triệu đồng tùy công suất – bằng nửa thiết bị do nhà máy sản xuất. Anh chủ yếu chế tạo loại tuabin trục ngang một chiều ba pha, gồm các loại 12V, 24V và 48V. Hệ thống này sau đó kết nối với bộ điều khiển sạc điện gió để điều khiển điện áp và bình ắc quy để lưu trữ điện. Công suất chiếc tuabin mà anh chế tạo từng đạt mức cao nhất là 1,4 KW.

Hiện tại, gia đình anh Vũ sử dụng hệ thống điện gió với tuabin sản xuất điện tổng công suất 5 KW để dùng cho gia đình. “Hệ thống này thay thế được khoảng 75% lượng điện lưới, chủ yếu phục vụ quạt, TV, điều hòa và các vật dụng cần nguồn điện trong một thời gian nhất định. Nó cũng giúp gia đình khi điện lưới chập chờn không ổn định hoặc mất điện”, anh Vũ chia sẻ.

Anh Triệu Lập, một người nhiều năm làm điện gió, đánh giá hệ thống của anh Vũ đạt hiệu suất sinh điện cao, chi phí sản xuất phải chăng, dù ngoại hình chưa thật sự đẹp. Anh Lập ấn tượng về đam mê của anh Vũ, nhất là tính kiên trì trong việc tìm ra cách giúp hệ thống tuabin hoạt động hiệu quả.

Anh Vũ cho biết sắp tới anh sẽ áp dụng hệ thống phanh thế hệ mới để tuabin hoạt động được trong gió mạnh và không bị hỏng khi có bão. Ngoài ra, anh cũng sẽ thử áp dụng các vật liệu mới nhẹ hơn và bền hơn.

Bảo Lâm



Source link

Related Posts

Leave a Comment